Ngày 27 tháng 5 năm 2024, Tiểu Ban An toàn an ninh mạng tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch số 19/KH-TBATANM tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng liên quan đến tỉnh Hậu Giang. Theo Kế hoạch việc tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng tập trung vào những nội dung chính sau:
Thứ nhất, tuyên truyền các quy định của pháp luật, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp không thuộc nội dung bí mật nhà nước, các Luật, Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận, Kế hoạch liên quan đến công tác bảo vệ an ninh mạng, an toàn thông tin, đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và các quy định xử phạt khi bị phạm tội; Quy định số 85-QĐ/TW ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; Hướng dẫn số 99-HD/BTGTW ngày 20/3/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về hướng dẫn thực hiện Quy định số 85-QĐ/TW; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia mạng xã hội.
Thứ hai, tuyên truyền những phương thức, thủ đoạn, đặc điểm nhận biết và cách phòng tránh đối với tội phạm trên không gian mạng. Trong đó, tập trung tuyên truyền về: thủ đoạn gọi điện giả danh cơ quan, tổ chức; thủ đoạn lợi dụng lòng tham của các cá nhân; thủ đoạn chiếm quyền sử dụng tài khoản (mạng xã hội Facebook, Zalo...), lập tài khoản mạo danh người khác, tuyển cộng tác viên làm việc online, thủ đoạn lợi dụng công nghệ Deepfake làm giả cuộc gọi video... để thực hiện hành vi phạm tội: lừa đảo, chiếm quyền quản trị tài khoản ngân hàng, mạng xã hội, thu thập trái phép thông tin cá nhân...
Ảnh sưu tầm
Thứ ba, tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo vệ các thông tin dữ liệu cá nhân; nâng cao ý thức cảnh giác trong việc cung cấp các thông tin cá nhân cũng như việc xác thực về con người trước khi thực hiện việc chuyển tiền bằng hình thức internet banking; hậu quả, tác hại của việc: bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng, sim điện thoại để các đối tượng xấu sử dụng tài khoản ngân hàng, sim điện thoại của mình phục vụ việc chuyển, nhận tiền, đăng ký tài khoản mạng xã hội hoặc liên lạc để thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ tư, tuyên truyền kết quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn của lực lượng chức năng với tội phạm trên không gian mạng liên quan đến địa bàn tỉnh; lan tỏa thông tin chính thống về các vấn đề, vụ việc phức tạp, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, quần chúng nhân dân, định hướng dư luận, bảo đảm an toàn thông tin trên địa bàn.
Thứ năm, trọng tâm tuyên truyền theo khẩu hiệu “4 không, 2 phải”, gồm:
+ “4 không” là:
(1) Không sợ (không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân, thông báo có liên quan đến vụ việc, vụ án, tai nạn);
(2) Không tham (không tham những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận hoặc giá rẻ “phi thực tế”, những lời mời chào “việc nhẹ lương cao”, làm nhiệm vụ, bình chọn có thưởng);
(3) Không kết bạn với người lạ (không kết bạn với người lạ trên mạng xã hội, không nhận lời tham gia các hội, nhóm mà không rõ là ai, mục đích gì; không bắt chuyện với người lạ hoặc cung cấp thông tin cá nhân, nhấp vào đường link, cài đặt phần mềm để đối tượng có thể lợi dụng);
(4) Không chuyển khoản (không chuyển tiền cho người không quen biết; tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu của người lạ như cung cấp mã OTP, tài khoản ngân hàng).
+ “2 phải” là:
(1) Phải thường xuyên cảnh giác (chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội...);
(2) Phải tố giác ngay với Công an khi có nghi ngờ (khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn, thông tin nghi ngờ hoặc không có cơ sở khẳng định nội dung là đúng thì phải trao đổi với người thân và kịp thời báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn giải quyết).
Về phương pháp thực hiện tuyên truyền: Phối hợp thống nhất, chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, sử dụng tối đa các phương tiện, điều kiện thông tin tuyên truyền hiện có và các hình thức tuyên truyền; nghiên cứu, áp dụng các hình thức, phương pháp, phương tiện thông tin tuyên truyền mới, phong phú, đa dạng về hình thức phù hợp với thực tế của đơn vị, địa phương. Chú trọng việc phát huy vai trò của người có uy tín, điển hình tiên tiến trong công tác tuyên truyền, cụ thể:
(1) Tuyên truyền trên không gian mạng: Thường xuyên tổng hợp thông tin, bài viết, phóng sự ngắn gọn, dễ hiểu, vận dụng các ứng dụng điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok, Telegram...), trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, địa phương... nhanh chóng đưa thông tin về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, các biện pháp phòng, chống tội phạm một cách nhanh nhất đến các cá nhân tham gia không gian mạng. Khai thác tối đa ưu thế hoạt động truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội; các hội, nhóm đông thành viên; người có uy tín, ảnh hưởng trên không gian mạng (KOL) liên quan đến địa bàn tỉnh để tham gia công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin nhanh chóng, đến mọi đối tượng tiếp cận.
(2) Tuyên truyền trực tiếp: Tổ chức hội nghị để tuyên truyền hoặc lồng ghép nội dung trong các hội nghị, lớp học, trong các buổi sinh hoạt của cơ quan, đơn vị,...nhằm truyền thông tin về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng thường xuyên sử dụng để tiến hành hành vi phạm tội trên không gian mạng.
(3) Tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng: Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang, hệ thống truyền thanh cấp huyện để đăng tải, phát sóng, phát thanh các tin, bài, phóng sự, video clip...
(4) Tuyên truyền bằng các hình thức cổ động: Các banner trên các trang, cổng thông tin điện tử, infographic trên mạng xã hội, vẽ khẩu hiệu, băng rôn, tờ rơi, áp phích tạo hình ảnh trực quan sinh động dễ hiểu, dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và dễ thực hiện, hướng tới đông đảo cá nhân ít có điều kiện tiếp nhận thông tin bằng các hình thức khác.
Để thực hiện tốt các nội dung tuyên truyền nêu trên, Tiểu Ban An toàn an ninh mạng tỉnh Hậu Giang đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương, đơn vị liên quan trong việc tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện gửi Công an tỉnh (qua Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) để tổng hợp, báo cáo theo quy định./.