Thực hiện Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm; Công văn số 6004/BTP-ĐKGDBĐ ngày 18 tháng 10 năm 2024 của Bộ Tư pháp về việc tăng cường hiệu quả công tác đăng ký biện pháp bảo đảm tại địa phương; Công văn số 6342/VP.UBND-NC ngày 23 tháng 10 năm 2024 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc triển khai thực hiện Công văn số 6004/BTP-ĐKGDBĐ ngày 18 tháng 10 năm 2024 của Bộ Tư pháp.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý nhà nước về công tác đăng ký biện pháp bảo đảm, Sở Tư pháp ban hành Công văn số 1828/STP-HC&BTTP ngày 31 tháng 11 năm 2024 về việc tăng cường hiệu quả công tác đăng ký biện pháp bảo đảm. Để thực hiện thống nhất, hiệu quả, kịp thời quy định của pháp luật liên quan đến đăng ký biện pháp bảo đảm, trong triển khai thi hành các luật và các văn bản hướng dẫn mới được Quốc hội, Chính phủ ban hành. Sở Tư pháp đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nội dung như sau:
Thứ nhất, Sở Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, cơ quan khác liên quan tuân thủ đúng, thực hiện nghiêm, thống nhất: Quy định liên quan tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tại các luật và các văn bản hướng dẫn mới được Quốc hội, Chính phủ ban hành trong thế chấp, xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Nghị định số 99/2022/NĐ-CP trong thực hiện quản lý nhà nước và trong thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm, bao gồm việc đăng ký thế chấp đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại Điều 198 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
Thứ hai, có giải pháp cụ thể để đổi mới, nâng cao hiệu quả, đồng bộ, thống nhất trong quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm; xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác này ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và các điều kiện cần thiết về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp cho cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất ở địa phương.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, theo dõi thi hành pháp luật theo thẩm quyền về đăng ký biện pháp bảo đảm; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về áp dụng pháp luật, về chuyên môn, nghiệp vụ trong đăng ký biện pháp bảo đảm, về kiểm tra, thanh tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm.
Với những yêu cầu mới đặt ra trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của Nhà nước, trong giai đoạn phát triển tiếp theo, với quyết tâm cao và tinh thần hành động mạnh mẽ, sáng tạo, linh hoạt, đề cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất ở. Đặc biệt trong việc cung cấp dịch vụ công với chất lượng cao, hiệu quả nhất cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Hậu Giang./.
Lê Thanh Phong