Nhằm xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống bạo lực để từng bước giảm dần bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Từ những vấn đề đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 về phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 2238/QĐ-TTg) và Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2022 phê duyệt Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 (Quyết định số 45/QĐ-TTg).
(Ảnh minh họa)
Để triển khai có hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản số 535/BTP-TGPL ngày 25 tháng 02 năm 2022 của Bộ Tư pháp về việc triển khai chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025, góp phần đạt mục tiêu phấn đấu 95% người bị bạo lực gia đình khi phát hiện được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khỏe, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và khuyến khích các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý tại địa phương tăng cường thực hiện vụ việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính theo Quyết định số 2238/QĐ-TTg và Quyết định số 45/QĐ-TTg được lồng ghép cùng kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới theo Quyết định số 2232/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 với các nội dung tại Công văn số 4878/BTP-TGPL của Bộ Tư pháp./.
Mỹ Anh