Thực hiện Kế hoạch số 05/KH-STP ngày 18 tháng 02 năm 2022 về việc trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Ngày 01 tháng 7 năm 2022 Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hậu Giang phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Vị Thủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Nàng Mau tổ chức buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý tại Nhà thông tin văn hóa ấp 5, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Tại buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý, Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã tuyên truyền giới thiệu về: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; những người thuộc diện trợ giúp pháp lý miễn phí và các thủ tục yêu cầu để được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý; thông tin về địa chỉ và số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước để người dân tiện liên hệ khi có yêu cầu. Ngoài ra, tại buổi truyền thông Trợ giúp viên pháp lý còn tuyên truyền một số quy định về Nghị định 19/2019/NĐ-CP, ngày 19 tháng 2 năm 2019 về họ, hụi, biêu, phường cho người dân tham dự, góp phần giúp cho người dân hiểu rõ hơn về điều kiện, quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia hụi. Buổi truyền thông có hơn 20 người dân tham dự, cấp phát 80 tờ gấp pháp luật cho người dân tham khảo.
Quang cảnh buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý
Kết thúc nội dung tuyên truyền, các Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã tư vấn pháp luật trực tiếp cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý về các vấn đề liên quan đến đất đai, chế độ chính sách, bảo trợ xã hội và pháp luật về dân sự cho người dân. Thông qua buổi truyền thông trợ giúp pháp lý đã góp phần trang bị cho người tham dự những nội dung cơ bản của pháp luật để từ đó nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật đồng thời góp phần bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và giảm thiểu những vấn đề bức xúc diễn ra trong đời sống hằng ngày.
Hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần đưa chủ trương xoá đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống; góp phần giải toả những vướng mắc pháp luật của nhân dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; góp phần ổn định chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; giữ vững và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân./.
Cẩm Nhung