Ngày 28 tháng 4 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang năm 2022. Theo đó, Kế hoạch đã đề ra các mục tiêu cụ thể thực hiện trong năm 2022 như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện Chính quyền điện tử, phát triển Chính quyền số, chuyển đổi hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số.
- Mở rộng, nâng cấp hạ tầng trung tâm tích hợp dữ liệu, mạng diện rộng của tỉnh đáp ứng việc triển khai, lưu trữ dữ liệu của các ứng dụng dùng chung của tỉnh, các ứng dụng chuyên ngành của các cơ quan, tổ chức.
- Tiếp tục rà soát, bổ sung, đảm bảo cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm thiết bị di động.
- Mở rộng phạm vi sử dụng phần mềm quản lý văn bản cho các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước (nếu có nhu cầu) và thực hiện kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử có ký số đầy đủ (cả văn bản đến và văn bản đi) và được luân chuyển trên phần mềm quản lý văn bản của tỉnh.
- 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp cơ sở được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
- 100% báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh được thực hiện qua hệ thống báo cáo của Tỉnh; 100% báo cáo Chính phủ định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
- Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến đạt 50%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%; tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ của cơ quan nhà nước đạt 90%,...
- Phấn đấu trong năm 2022 tỉnh Hậu Giang nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu trong bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh.
Thứ hai, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh: Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng lao động điện tử đạt 100%; khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; hỗ trợ 5 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã chuyển đổi số.
Thứ ba, phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số: Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 75% hộ gia đình, 100% cấp xã; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử là 25%.
Thứ tư, bảo đảm an toàn thông tin: Tỷ lệ các hệ thống thông tin quan trọng được xác định cấp độ an toàn thông tin và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ đạt 70%; tỷ lệ thiết bị đầu cuối được cài đặt giải pháp bảo vệ đạt 90%; 100% người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo đảm an toàn thông tin; 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan, đơn vị được tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin; 100% các cơ sở giáo dục thực hiện phổ biến, trang bị kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng; 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội,…
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng Sở, ngành tỉnh và đơn vị có liên quan trong việc tham mưu triển khai thực hiện Kế hoạch./.
Văn Tiếp