Xem chi tiet tin_new - Sở Tư pháp

 

Hậu Giang ban hành Kế hoạch triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh

Ngày 24-01-2024

Ngày 19/01/2024, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của    Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

Các mục tiêu cụ thể của tỉnh trong năm

Một là, số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023.

Hai là, về năng lực Đổi mới sáng tạo, thực hiện đạt và vượt các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm tại Chương trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Hậu Giang đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1403/QĐ-UBND ngày 12/8/2022 của UBND tỉnh Hậu Giang.

Ba là, về năng lực phát triển du lịch và lữ hành của Diễn đàn kinh tế thế giới, thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch theo Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 22/12/2021 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trong đó, ưu tiên các mục tiêu nâng cao xếp hạng năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) gồm: về chỉ số Mức độ ưu tiên cho du lịch lữ hành và chỉ số Hạ tầng dịch vụ du lịch.

Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong năm

          Một là, phân công sở, ngành tỉnh theo dõi việc cải thiện các mục tiêu cụ thể: giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì theo dõi về tình hình phát triển doanh nghiệp (Số doanh nghiệp gia nhập thị trường, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường); Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì theo dõi về năng lực Đổi mới sáng tạo; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì theo dõi về năng lực phát triển du lịch và lữ hành (chỉ số Mức độ ưu tiên cho du lịch lữ hành và chỉ số Hạ tầng dịch vụ du lịch); cập nhật, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan tại sở, ngành tỉnh và địa phương; kịp thời đề xuất, báo cáo UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, giải pháp, nhiệm vụ phát sinh để cải thiện các chỉ số được phân công; chủ động kết nối với bộ chủ quản để cung cấp, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin nhằm đánh giá, xếp hạng, theo dõi tình hình, kết quả cải thiện đối với các bộ chỉ số được phân công.

          Hai là, chú trọng thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm sau đây: tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư. Các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương, trong phạm vi thẩm quyền, chủ động và khẩn trương tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật. Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền thì tập hợp vấn đề kèm theo các giải pháp tương ứng (nếu có) để kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời, gửi kiến nghị về Ban Chỉ đạo Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư). Cơ quan Giúp việc của Ban Chỉ đạo Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh kịp thời nhận diện các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư và triển khai các dự án đầu tư; ban hành các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn hoặc đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; theo dõi, đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các vướng mắc, khó khăn;

           Ba là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kinh doanh và triển khai, ứng dụng hiệu quả Cổng Thông tin một cửa quốc gia. Các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương triển khai thực hiện các giải pháp: thực hiện ngay việc cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất là các quy định trong lĩnh vực dược, khám bệnh, chữa bệnh, an toàn thực phẩm, … Triển khai hiệu quả, thực chất thủ tục điện tử trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia và các hệ thống thông tin dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan. Nghiêm túc thực hiện quy định “Cơ quan tiếp nhận hồ sơ chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung 01 lần” tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và không được yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ ngoài quy định của pháp luật.

          Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. Các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương triển khai thực hiện các giải pháp: thực hiện nghiêm việc cập nhật, công khai, tham vấn dự thảo quy định kinh doanh trên Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định để bảo đảm mục tiêu về cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đổi mới cơ chế Một cửa, Một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cấp, phát triển Cổng Dịch vụ công của địa phương tích hợp, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.

          Năm là, tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Hậu Giang chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiếp tục thực hiện các giải pháp, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các động lực tăng trưởng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cùng các sở, ban, ngành tỉnh và các đơn vị có liên quan căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để tham mưu, đề xuất việc thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằmng khả năng tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cùng các ngành chức năng và địa phương: khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng; giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp, người nộp thuế đảm bảo đúng đối tượng, chính sách, quy định. Theo dõi văn bản và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định chế biến thủy sản là “hoạt động chế biến” để thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp theo tinh thần đã nêu tại Công văn số 2550/BTC-TCT ngày 12/3/2021 của Bộ Tài chính về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp.

          Sáu là, hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững. Các sở, ngành tỉnh và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động, mở rộng các thị trường tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

          Bảy là, nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh. Các sở, ngành tỉnh và địa phương: nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia chuỗi giá trị bền vững, thủ tục hành chính,... Đa dạng hóa và phát triển hiệu quả hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở kỹ thuật dùng chung, hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Về việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo

Căn cứ Kế hoạch này, Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan: xác định việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; thực hiện tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sở, ban ngành tỉnh và địa phương. Tổ chức nghiên cứu, phổ biến quán triệt Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ trong cán bộ, công chức, viên chức theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Kế hoạch, trước ngày 10 tháng 6 và ngày 10 tháng 12 năm 2024, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 06 tháng và 01 năm gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo./.

(Đính kèm Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 19/01/2024 của UBND tỉnh Hậu Giang)

Văn Lực

* Để xem thêm chi tiết, tải về tại đây
1. SKh_KH trien khai Nghi quyet 02_2024_hc.pdf_20240126122125.pdf

Đang online: 2
Hôm nay: 3576
Đã truy cập: 1920577